Làm sao để sinh con đúng ngày dự sinh?
Làm sao để sinh con đúng ngày dự sinh là mối bận tâm của rất nhiều sản phụ. Ngày dự sinh là cột mốc quan trọng mà các mẹ bầu luôn mong đợi, nhưng tỷ lệ em bé chào đời đúng ngày này là rất thấp. Dù không thể kiểm soát hoàn toàn nhưng vẫn có một số cách giúp bạn tăng khả năng sinh đúng hoặc gần ngày dự sinh.
Ngày dự sinh là gì?
Trước khi tìm hiểu làm sao để sinh con đúng ngày dự sinh, bạn cần biết ngày dự sinh là gì? Ngày dự sinh được tính dựa trên thời gian mang thai trung bình là 280 ngày (tương đương 40 tuần), bắt đầu từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng trước khi mang thai. Đây là mốc thời gian ước đoán khi thai nhi được khoảng 40 tuần tuổi. Tuy nhiên, ngày dự sinh chỉ mang tính tương đối và không đảm bảo là thời điểm chính xác em bé sẽ chào đời, vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Sinh lý của mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Nếu em bé trong bụng vẫn chưa chào đời sau khoảng 41 tuần đến 41 tuần 6 ngày, bác sĩ gọi đây là thai quá ngày dự sinh. Trường hợp thai kỳ kéo dài hơn 42 tuần được xem là thai già tháng. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ thai quá ngày dự sinh bao gồm:
- Mẹ sinh con đầu lòng (con so).
- Giới tính của thai nhi là nam.
- Tiền sử thai kỳ quá ngày ở những lần mang thai trước.
- Mẹ béo phì hoặc gặp vấn đề về cân nặng.
Do vậy, mẹ nên biết ngày dự sinh là bao nhiêu tuần, thăm khám định kỳ, đồng thời theo dõi sát sao thai kỳ vào những tuần cuối để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé, nhất là khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ dù đã quá ngày dự sinh.
Thai phụ cần chuẩn bị gì khi đã biết ngày dự sinh?
Sau khi biết ngày dự sinh, bên cạnh việc tìm hiểu cách làm sao để sinh con đúng ngày dự sinh, bố mẹ nên chuẩn bị kỹ lưỡng cả về vật chất lẫn tinh thần để sẵn sàng đón thành viên mới. Việc chuẩn bị đầy đủ những đồ dùng cần thiết trước khi sinh giúp hạn chế tình trạng bị động và thiếu thốn khi thai nhi chào đời.Ngoài ra, trong một số trường hợp, mẹ bầu quá ngày dự sinh nhưng vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Khi gặp tình huống này, bác sĩ khuyến cáo mẹ bầu đến bệnh viện ngay để được kiểm tra và theo dõi sức khỏe. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể can thiệp để đưa bé ra ngoài nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Thai kỳ càng kéo dài, rủi ro cho cả hai mẹ con càng lớn, bao gồm:
Đối với mẹ bầu
- Thai nhi càng lớn càng làm tăng khó khăn cho quá trình sinh thường, có thể phải mổ lấy thai.
- Nguy cơ cạn ối, khiến cơn co tử cung chèn ép dây rốn, gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển dạ.
- Thai phụ phải nằm viện dài ngày và đối mặt với nhiều biến chứng khác.
Đối với thai nhi
- Rối loạn nhịp tim, nguy cơ tổn thương hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh vận động.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp, nhiễm trùng, suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém.
- Nguy cơ tử vong do suy thai trong bụng mẹ.
Bác sĩ khuyến cáo các sản phụ vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ dù đã quá 1 tuần so với ngày dự sinh cần đến bệnh viện để được khám và theo dõi kỹ lưỡng. Trong trường hợp ngày dự sinh được tính không chính xác, việc chờ đợi thêm thường không gây vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu thực sự thai đã quá ngày, mẹ có thể cần được nhập viện và can thiệp mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Làm sao để sinh con đúng ngày dự sinh?
Vậy làm sao để sinh con đúng ngày dự sinh? Đến ngày dự sinh nhưng chưa có dấu hiệu chuyển dạ thường khiến mẹ bầu lo lắng và băn khoăn về cách xử lý. Việc đi khám thai ngay lập tức trong trường hợp này là cần thiết để theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của mẹ và bé.
Tại buổi khám, bác sĩ sẽ tiến hành:
- Kiểm tra nhịp tim thai nhi, đánh giá lượng nước ối để đảm bảo đủ cho thai phát triển.
- Kiểm tra bánh rau để xem có dấu hiệu xơ hóa hay không. Nếu bánh rau suy giảm chức năng, thai nhi sẽ không nhận đủ oxy và dinh dưỡng, dẫn đến suy thai hoặc nguy cơ tử vong trong bụng mẹ.
- Bác sĩ có thể chỉ định mổ lấy thai nếu phát hiện bất thường để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Nếu cổ tử cung đã sẵn sàng, bác sĩ sẽ dựa vào độ tuổi thai nhi, nguy cơ tiềm ẩn và nguyện vọng của mẹ để quyết định tiếp tục chờ chuyển dạ tự nhiên hoặc kích thích chuyển dạ (bằng thuốc hoặc các biện pháp hỗ trợ khác) để sinh qua ngả âm đạo.
Hiện nay, nhiều mẹ bầu chọn sinh mổ nếu chưa có dấu hiệu chuyển dạ vào ngày dự sinh, thay vì thử các biện pháp khởi phát chuyển dạ để sinh thường. Tuy nhiên, điều quan trọng là không nên lo lắng thái quá. Thai quá ngày dự sinh không đồng nghĩa với thai già tháng. Bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng thai nhi qua khám lâm sàng và siêu âm. Nếu thai nhi vẫn khỏe mạnh, mẹ bầu có thể tiếp tục kiên nhẫn chờ chuyển dạ hoặc cân nhắc các phương pháp hỗ trợ chuyển dạ để sinh thường.
Sự chuẩn bị kiến thức về thai kỳ và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp mẹ bầu xử lý tình huống này một cách chủ động và an toàn.
Nên làm gì để hạn chế tình trạng đến ngày dự sinh mà thai nhi chưa chào đời?
Để tránh tình trạng thai quá ngày dự sinh, mẹ bầu cần lưu ý:
- Xác định chính xác ngày kinh cuối: Việc ghi nhớ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối giúp tính toán ngày dự sinh chính xác, giảm nguy cơ sai lệch trong ước đoán thời điểm sinh.
- Tuân thủ lịch khám thai định kỳ: Khám thai đúng lịch và thực hiện theo các hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa là điều quan trọng để theo dõi sức khỏe của cả mẹ và bé, phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường.
- Có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý, khoa học: Để duy trì sức khỏe cho mẹ và hỗ trợ sự phát triển của thai nhi cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng. Đồng thời, có kế hoạch sinh hoạt điều độ kết hợp tập thể dục nhẹ nhàng để duy trì cân nặng hợp lý cho cả mẹ bầu và thai nhi, giúp tăng khả năng chuyển dạ tự nhiên.
- Xử lý kịp thời nếu quá ngày dự sinh: Nếu em bé chưa chào đời dù đã quá ngày dự sinh, sản phụ cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra, đánh giá tình trạng thai kỳ. Việc này giúp tránh những rủi ro nguy hiểm như: Suy thai hay các biến chứng trong chuyển dạ, bảo vệ an toàn cho cả mẹ và bé.
Chủ động tuân thủ các biện pháp trên sẽ giúp mẹ bầu chuẩn bị tốt nhất cho hành trình sinh nở và giảm nguy cơ thai kỳ kéo dài quá mức.
Bài viết trên đây hy vọng đã giúp bạn biết cách làm sao để sinh con đúng ngày dự sinh. Do ảnh hưởng của nhiều yếu tố sinh học nên việc sinh đúng ngày dự sinh không thể đảm bảo tuyệt đối. Tuy nhiên, việc chăm sóc sức khỏe hợp lý và theo dõi thai kỳ chặt chẽ sẽ giúp bạn tối ưu hóa khả năng này. Quan trọng nhất, sản phụ nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, ưu tiên duy trì tinh thần và thể trạng tốt để sẵn sàng cho mọi tình huống, kể cả khi sinh sớm hoặc muộn hơn dự kiến.